UỐNG RƯỢU CẦN
Sáng hôm sau thức dậy trong ngôi nhà nứa của cụ, chúng tôi vội vã đi thăm ngôi làng khác, ngôi làng này không có đạo, cán bộ giám sát ngôi làng rất kỹ càng. Đến thăm ngôi làng theo nhà nước, tôi thấy khác hẳn: Nhà ai cũng được xây và tô vôi sáng sủa, có xe máy, có tivi và dàn karaoke. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nghèo nhất trong làng đó là ngôi nhà sàn. Tôi bước lên những bậc thang bằng gỗ và nhìn vào ngôi nhà, hai người đàn ông và một bà đang ngồi uống rượu cần với nhau. Họ cũng đã ngà ngà say, bà ta bước ra cửa và hỏi chúng tôi là ai, tìm gì, đến đây làm gì? “Dạ, chúng con là những cô giáo từ miền xuôi lên đây thực tập hè, có thời gian nên chúng con ghé thăm mọi người”. Hai người đàn ông mang bình rượu cần ra và nói với giọng ngà ngà say: “Làng này có tục lệ, muốn vào thăm thì phải uống rượu cần!” Các em thanh niên đã uống và vào trong ngồi, còn mình tôi với chị Lành vẫn chưa dám uống, vì tôi biết rằng tửu lượng của tôi rất kém, tôi sợ sẽ say xỉn rồi gây ra rắc rối cho mọi người. Tôi xin lỗi “Xin lỗi mọi người, con không biết uống rượu, xin miễn cho con được không?” Nhưng họ không chịu, tôi như sắp khóc khi từ chối họ, một em thanh niên chạy lại chỗ tôi và nói “Cô chú có thể để con uống giúp cho cô giáo được không?” Nhưng họ một mực không chịu, “Nếu cô không uống thì cô không thể vào nhà chúng tôi được.” Tôi đành nhắm mắt uống cho đến khi họ bảo dừng thì tôi mới dừng lại. Uống xong, tôi cảm giác một luồng nhiệt bốc từ bụng lên đầu, đầu tôi cảm thấy lâng lâng mơ hồ, tôi nhắm mắt rồi lại mở mắt xem mình còn tỉnh táo không, tôi biết hình như mình đang say, tôi ngồi yên một chỗ để mặc cho chị ấy và các em nói chuyện với họ.
Có một người đàn ông bước vào nhà, thoạt nhìn chúng tôi cũng đoán được có lẽ ông ta là cán bộ, ông ta đến thám thính tình hình. Lúc đó tôi biết mình say nên chỉ tựa đầu vào bức vách mà ngủ, một mình chị ấy phải đối phó và nói chuyện với ông ta. Cuối cùng, chúng tôi đứng lên để chào tạm biệt và đi thăm gia đình khác, họ niềm nở rối rít cám ơn chúng tôi đã mang niềm vui đến cho họ.
Chúng tôi đi sâu hơn vào trong làng, chúng tôi thấy một đám người đang ngồi ở nhà rong, vừa thấy chúng tôi họ lên tiếng “Mấy bà Yá đi ra khỏi làng chúng tôi ngay, chúng tôi biết rỏ là các Yá, bọn mày có đạo, chúng mày không ra khỏi làng là coi chừng bọn tao đánh chết tụi mày đó”. Ngay lúc ấy chúng tôi quyết định “Có lẽ chúng ta không nên mạo hiểm vào thăm ngôi làng này, thôi mình về thôi, đi thăm những ngôi làng đón tiếp chúng ta” Chúng tôi vội vàng trở về để lại đằng sau những tiếng cười chế diễu của dân làng. Tôi lại nhớ câu Tin Mừng mà Chúa Giê-su dạy “Đến nhà nào mà họ đón tiếp anh em thì bình an sẽ ở lại nhà đó, nhà nào không đón tiếp thì anh em hãy phủ bụi chân lại cho nhà đó”
Lúc về lại làng Kon Đào, tôi hỏi chú Yafu “Tại sao chú không theo nhà nước để họ xây nhà cho làng mà chú lại trung thành theo đạo và giữ đạo Chúa làm gì?” Tôi cảm kích trước câu trả lời của chú “Chúng con không cần nhà, không cần giàu có, chúng con theo Chúa, chịu khổ như Chúa, thì mai sau chúng con sẽ được lên thiên đàng”
Ngày chào tạm biệt mọi người để trở lại Sài Gòn, tôi và dân làng đã khóc rất nhiều vì chắc chắn ai cũng biết rằng đây là cuộc gặp gỡ duy nhất một lần trong đời. Trên chuyến xe chú Yafu đưa tôi trở lại Tòa Giám Mục, chú khoe với tôi: “Giá ơi, sang năm cán bộ sẽ làm đường cho chúng con để chúng con đi lại dễ dàng hơn”. Tôi mừng rỡ: “Ô, vậy thì tốt quá chú ơi! Dân làng sẽ không còn vất vả trèo đèo lội suối nữa. Con chúc mừng mọi người nhé!” Tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe câu trả lời của chú Yafu “Dạ con không thích có đường mới đẹp và dễ dàng đâu Yá!”.
- Ủa, tại sao vậy chú? Có đường mới phai vui chứ sao nhìn chú buồn vậy?
Chú trả lời: “Vì khi có đường đi dễ dàng, các Yá sẽ không trở lại đây thăm chúng con nữa. Các Yá chỉ thích đi những chỗ nghèo hơn và có đường rất khó đi thôi!”
Câu trả lời của chú đánh động tâm hồn tôi, họ không chú trọng đến nhu cầu và lợi ích cho mình, nhưng họ trân trọng tình cảm con người. Họ quý mến các cha, các soeurs và những nhà truyền giáo đến nỗi họ không cần thứ gì ngoài sự hiện diện của chúng tôi. Vì trong lòng họ luôn nghĩ rằng “Chúng con gặp được các Bob (cha) và các Yá (soeur) là chúng con thấy Chúa rồi!”
TGM Kontum 30/7/2011
Giang Phạm RNDM