CHUYẾN TRUYỀN GIÁO KONTUM (PART 2)

0

LÀNG ĐAK MAN

CHUYẾN TRUYỀN GIÁO KONTUM (part 2)

Chiếc xe máy cũ kỷ với chiếc bô la inh ỏi đưa tôi xa khỏi những con đường tráng nhựa đẹp thẳng thẳng tắp của thành phố dần dần đi vào núi. Con đường nhỏ hẹp ngoằn ngoèo lúc lên lúc xuống hiện ra trước mắt. Tôi cảm giác như mình đang ngồi trên một chiếc tàu lượn siêu tốc. “Chú Yafu lái xe cừ thật” – tôi nói. “Con quen mấy đường này rồi!”-Chú trả lời. Tôi ngồi trên xe hồi hộp muốn rụng tim…. “Sắp tới rồi Yá ơi, qua con suối này là tới làng của mình rồi.” Tôi xuống xe, chú lái xe máy qua suối trước rồi trở lại dẫn tôi sang, vì mùa khô nên suối cũng tương đối cạn. Tiếng nước chảy róc rách làm tôi rất thích thú, thật hạnh phúc khi được sống cùng thiên nhiên và núi rừng. Đến giữa suối, tôi nhặt một viên đá nhỏ bỏ vào túi rồi hít thở thật sâu và dâng lời ca ngợi Chúa. Tôi muốn hát thật to “Muôn tạo vật ơi, cùng tôi hát lên một bài, ca mừng Thượng Đế quyền uy tác sinh muôn loài…”

Tôi lên xe và chuẩn bị vào ngôi làng mà Chúa sai tôi đến, lòng hân hoan tôi cảm tạ Chúa và sẵn sàng cho những gì sẽ xảy đến với người môn đệ của Chúa trong tương lai.

“Yá thích suối phải không?” chú Yafu hỏi.

“Dạ vâng, con thích suối lắm chú Rep (Tên của chú Yafu)!” Tôi mỉm cười

“Vậy Yá mà ở đây là được ở với suối suốt đời luôn!” Chú đơn sơ đáp.

“Dạ, con cũng hy vọng như vậy, ở đây rất linh thiêng và bình an”.

Làng Đak Manh có khoảng 170 gia đình, toàn bộ làng đều theo đạo vì già làng là người bắt cả làng phải theo. Trong làng, họ cử ra một người được đào tạo tại Tòa Giám Mục Kontum để làm Yafu (Ông trùm) giúp cho dân làng ở đây các buổi đọc kinh cầu nguyện, chia sẻ Lời Chúa và Cử hành nghi thức phụng vụ. Vì cha xứ chỉ đến đây dâng lễ một lần trong một năm. Họ phải đi bộ xuống một ngôi làng gần thành phố để tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Ở đây thiếu linh mục và nữ tu một phần cũng vì chính quyền rất khắt khe với người công giáo. Chính vì thế, họ khao khát mong ước có các cha và các soeurs đến giúp họ.

Xe dừng trước một ngôi nhà gỗ đơn sơ, tôi xuống xe và chưa kịp cởi ba lô ra đã thấy nhiều người trong làng đứng sẵn. Họ hớn hở vui mừng chào các Yá, từ trẻ con đến người già, họ xếp hàng đứng đón chúng tôi với khuôn mặt hạnh phúc và rạng rỡ nụ cười trên môi. Chúng tôi giới thiệu tên và trò chuyện với họ đến quên cả mệt. Cuối cùng họ cũng về nhà để cho các Yá nghỉ ngơi ăn cơm tối. Bữa tối hiện ra trước mặt tôi là một bát cơm gạo rẫy khô cứng, hai con cá khô, một đĩa măng luộc và một chén muối hột ớt xanh. Tôi thắc mắc “Chú Rep, sao chỉ có hai con cá thế này?” chú bảo là mua đãi hai Yá mới đến, cha Bình có đưa tiền cho chúng con bảo mua cá và thịt nấu cho hai soeur ăn cho khỏe”. Chị Lành lên tiếng “Không đâu chú, gia đình chú ăn gì thì cho chúng con ăn thứ đó, có măng dùng măng, có muối dùng muối, chú không cần phải mua và nấu riêng cho chúng con như vậy đâu nhé!” Tôi tiếp “Chú cứ nói lại với cha là lần sau cha đừng làm như vậy nhé, chúng con ăn gì cũng được, không cần lo lắng cho chúng con như vậy đâu!” Rồi tôi và chị Lành gọi hai bé nhỏ con của chú Rep đang ngồi dưới bếp, tôi gắp con cá bỏ vào chén em bé, mắt nó sáng rực lên “Bơ nê Ya” rồi nó nhai ngon ngấu nghiến.

Sau bữa cơm, tôi với chị lành được vợ chú Rep chỉ cho chỗ ngủ, cả nhà chỉ có một cái buồng ngủ duy nhất cũng nhường cho các Ya. Lần đầu tiên trong đời tôi có một kinh nghiệm thú vị như vậy. Hai chị em tôi lên kế hoạch chuẩn bị cho những ngày tới. Tôi may mắn được đi chung với chị Lành, chị học y dược nên giúp chữa bệnh được rất nhiều cho dân làng, tôi thì đi đâu đám trẻ con và mấy bạn thanh niên nam nữ bu theo, tôi năng động nên bày các trò chơi, sinh hoạt, tập múa, tập hát cho các em. Còn chị Lành thì ngồi tụm năm tụm bảy nói chuyện với các cụ, các mẹ và các bố. Xem ra Chúa sắp xếp cho hai chị em tôi một cặp làm việc rất thích hợp với nhau.

Tôi ngáp ngắn ngáp dài và chuẩn bị đi ngủ, vừa đắp cái chăn lên người, hai chị em tôi chịu không nổi mùi hôi bốc lên từ cái chăn cũ kỹ. Có lẽ cái chăn này mấy chục năm rồi chưa giặt hay sao ấy. Mà cũng làm sao giặt được nhỉ, thậm chí xà bông tắm họ cũng không có thì làm sao mà giặt quần áo được. Họ một tuần chỉ tắm một lần, áo quần họ mang xuống suối và giặt sơ qua với nước. Mấy đêm đầu tiên, hai chị em tôi không ngủ được vì mùi hôi. Tuần đầu tiên, đêm nào hai chị em tôi cũng tắm rửa giặt đồ sạch sẽ… Mỗi làng đều có chỗ “giọt nước”, họ chặt tre dẫn nước từ suối về làng để dùng sinh hoạt nấu nướng. Ở đây không có nhà vệ sinh và cũng không có phòng tắm, mỗi lần muốn đi thì chỉ cần vác cuốc ra nương sắn, theo sau là một đàn heo mọi chực sẵn…

Sau khi hỏi địa hình và các làng chung quanh, hai chị em tôi quyết định sẽ đi thăm từng làng và ở lại đó chừng hai hay ba ngày tùy theo số lượng gia đình. Ban ngày chúng tôi tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc, thăm viếng từng gia đình, ban đêm chúng tôi cử hành nghi thức phụng vụ, chia sẻ Lời Chúa và sinh hoạt với đám trẻ trong xóm. Trong gần một tháng, hai chị em thăm viếng và khám chữa bệnh được 11 ngôi làng: Đắk Man, Đắk Môn, Đắk Nhoong, Kon Đào, Ngọk Tụ, Đắk Choong, Đắk Kroong, Đắk Long, Ngọk Linh, Đắk Rơ Nga, Đắk Trăm.

Tôi đã có rất nhiều trải nghiệm thú vị nơi đây, nhưng tôi xin kể lại một vài chuyện mà tôi đã vượt qua được chính bản thân mình để trở thành một người như họ và sống giữa họ.

Đak Man 2/7/2011

Share.

About Author

The ministry of an artist is to express God's love and the beauty of God's creation

Leave A Reply